Nhận xét Ông Ích Khiêm

Ngươi (Ông Ích Khiêm) vốn là người học thức mà ra, phải cái tính khí cương cường nóng nảy, phàm việc không chịu ở sau người…Việc ngươi đánh dẹp bọn phỉ ở tỉnh Bắc, khí tiết, công lao, trẫm đều rõ hết…Thế mà gần đây được tin là ngươi đến đâu phần nhiều dung túng cho quân sĩ làm càn. Nếu quả thực như vậy thời dân còn trông mong gì nữa!...Nếu ngươi còn hối cải để khỏi phụ cái ơn tri ngộ, thì là điều mà trẫm rất mong mỏi. Bằng cứ còn võ biền, quên lời ân cần dạy bảo, thời trẫm phó mặc ngươi cho công luân triều đình, dù ngươi có tài cũng không tha luôn mãi được...[19]Ông Ích Khiêm, khí chất hung hãn, hơn mười năm nay từng trải trăm trận, tuy trong khoảng đó có lúc cậy công nhưng gặp lúc hiểm nghèo đã vâng mệnh, lâm cơ ứng biến, binh lính đều chịu sai phái, kẻ địch cũng sợ hãi cho nên các bầy tôi ở quân thứ hiện nay không ai vượt qua. Nếu gặp được vị thống soái tài hiểu biết, có uy vọng hơn hẳn thì có thể làm cho ông ta kính sợ, mới có thể từ bỏ hết lỗi lầm mà tỏ rõ công lao, đó cũng là vị lương tướng ngày nay vậy. Duy tài lộ ra ở khí, hàm dưỡng chưa sâu, mà kẻ đồng sự lại chưa có ai hơn mình, cho nên vì khinh nhờn mà sinh kiêu căng, vì cưỡng cường mà sinh ngỗ ngược, đến nỗi tự mắc vào lỗi lầm đáng tiếc...[20].
  • Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân:
Sống bộc trực, ngang bướng như thế giữa cái hoàn cảnh hỗn loạn, tiêu cực cuối đời Tự Đức làm sao Ông Ích Khiêm có thể tránh được cái hậu quả tất yếu là bị dồn vào cõi chết ở Bình Thuận...[21]
  • CN. Nguyễn Khắc Thuần:
Ông Ích Khiêm là bậc lừng danh văn võ song toàn, công minh chính trị, không kiêng sợ bất cứ một ai...Ông xứng đáng là một trong những biểu tượng của lòng cương trực và của khí phách ngoan cường[22].
  • Tuy nhiên, nhà văn Phan Khôi lại cho rằng:
Ông Ích Khiêm vốn là tay có tài, nhưng có tánh kiêu ngạo, khinh đời, vô lễ, hay làm những sự bướng bỉnh, thì đã đành rồi. Nói đến cái tâm địa và cái khí tiết của ông, thì cũng lại là không ra chi...Nguyên ông Khiêm từ khi ở Bắc Kỳ về, sau lúc vua Dực Tôn (Tự Đức) băng rồi thì ổng theo phe với ông Tường ông Thuyết mà gây ra những việc loạn trào. Chính mình ông Khiêm đã vâng mạng Tường, Thuyết mà giết vua Hiệp Hòa, chớ ai?Ông Khiêm hồi đầu theo Tường-Thuyết, song sau lại bị Tường-Thuyết xiềng mà đày đi, điều ấy không lấy gì làm lạ. Bởi vì, Tường-Thuyết thấy Khiêm làm được việc thí quân mà không gớm tay, sợ để rồi có ngày lại quay mà cắn lại mình, cho nên sau khi xong việc vua Hiệp Hòa rồi, Tường-Thuyết phải trừ ông Khiêm...Bấy giờ lại có câu phong dao nầy tưởng là phê bình đúng lắm: Nước Nam có bốn anh hùng/ Tường gian, Viêm láo, Khiêm khùng, Thuyết ngu![23].